Hướng dẫn kiếm tiền với Affiliate Marketing cho người mới từ A-Z

Bạn quan tâm đến Affiliate Marketing nhưng bối rối về cách bắt đầu? Đúng không?
Nếu bạn đã dành thời gian trên mạng xã hội và web, chắc chắn bạn đã gặp những nội dung xoay quanh việc kiếm tiền từ Affiliate Marketing. Nhưng phần lớn, những nội dung này thường tập trung vào việc quảng cáo các khóa học hoặc video ngắn mà không cung cấp nhiều giá trị thực sự.
Vì lý do đó, tôi quyết định viết hướng dẫn này.
Tôi là một Blogger đã trải qua hơn 5 năm trong lĩnh vực Affiliate Marketing, và đã đạt được một số thành tựu nhất định.
x
Dù không thể nói rằng thành tựu của tôi là gì đó cao lớn, nhưng mỗi tháng, thu nhập từ Affiliate Marketing đều đều, mang lại cho tôi sự ổn định và giúp tôi xây dựng một lối sống du mục thú vị.
Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội kiếm thêm thu nhập thông qua Affiliate Marketing, hoặc bạn muốn thay đổi công việc hoặc tạo ra một lối sống tự do thông qua Internet, thì bài viết này sẽ hữu ích cho bạn.
Trong bài viết này, tôi không chỉ giúp bạn hiểu rõ về bản chất của Affiliate Marketing, mà còn cung cấp một lộ trình chi tiết về cách thực hiện Affiliate Marketing, giống như cách tôi đã làm để đạt được mức thu nhập hàng tháng hàng nghìn đô la như bạn đã thấy.
Ngoài ra, trong bài viết này, tôi cũng chia sẻ những lưu ý quan trọng để bạn có cái nhìn trước về những thực tế mà bạn sẽ phải đối mặt, cũng như cách khắc phục hoặc tránh chúng.
Vậy, bạn đã sẵn lòng chưa?
Hãy để tôi đi cùng bạn trong hành trình kiếm tiền với Affiliate Marketing phía trước.
Affiliate Marketing là gì?
Affiliate Marketing (hay còn gọi là tiếp thị liên kết) là một phương pháp quảng bá sản phẩm, dịch vụ cho người khác trên Internet. Cụ thể bạn sẽ là trung gian kết nối người bán và người mua qua một liên kết duy nhất (affiliate link), khi ai đó mua hàng qua liên kết của bạn thì bạn sẽ nhận được một mức hoa hồng từ người bán theo tỉ lệ đã thỏa thuận.
Trên thực tế bạn có thể gặp Affiliate Marketing hiện diện rất nhiều cuộc sống.
Ví dụ như khi bạn có nhu cầu mua một chiếc "quạt hơi nước" nhưng bạn không chắc loại nào tốt và tìm đến những website/Blog trên Google để kiếm thông tin.

Làm Affiliate Marketing trên Website
Trên nội dung đó họ sẽ để các liên kết affiliate của các sàn thương mại điện tử hoặc một đối tác nào đó. Khi bạn nhấp vào và mua hàng thì họ sẽ được trả hoa hồng.
Đối với Facebook đôi khi bạn sẽ gặp các nội dung kèm link affiliate quen thuộc như vậy.

Làm Affiliate Marketing trên Facebook
Hoặc đối với TikTok bạn sẽ thường thấy các nội dung gắn thông tin sản phẩm ngay trên tên kênh.

Làm Affiliate Marketing trên TikTok
Nhìn chug làm Affiliate marketing cũng giống như việc bạn làm môi giới bất động sản, khi ai đó mua một căn nhà bạn giới thiệu thì bạn sẽ nhận được một khoản hoa hồng dựa trên giá trị căn nhà đó.
Đơn giản đúng không?
Lý do tại sao Affiliate Marketing phù hợp với người mới
Nếu bạn đang tìm kiếm một cơ hội kiếm tiền Online nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hoặc bạn có khát vọng nhưng chưa có kinh nghiệm, thì đừng bỏ lỡ phần này.
Dưới đây là những lý do chính giải thích tại sao Affiliate Marketing lại là một lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn.
- Khởi đầu đơn giản và ít rủi ro: Khác với việc mở một cửa hàng truyền thống hay bắt đầu một dự án kinh doanh lớn, Affiliate Marketing không yêu cầu bạn phải đầu tư số vốn lớn. Đôi khi, bạn chỉ cần một website hoặc blog và một chút nỗ lực để tạo nội dung chất lượng.
- Không cần quản lý hàng hóa: Một trong những khó khăn lớn khi bán hàng Online là việc quản lý hàng tồn kho, giao hàng, và chăm sóc khách hàng. Với Affiliate Marketing, bạn chỉ cần quảng cáo sản phẩm và dẫn dắt người dùng đến trang đích, mọi việc còn lại sẽ do đối tác của bạn lo.
- Tiềm năng thu nhập cao: Mặc dù bạn không phải là người bán sản phẩm, nhưng mức hoa hồng mà bạn có thể nhận được từ mỗi giao dịch có thể rất cao, đặc biệt với những sản phẩm giá trị lớn hoặc dịch vụ định kỳ.
- Linh hoạt về thời gian và địa điểm: Không giới hạn bởi văn phòng hay giờ làm việc, bạn có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào, miễn là có kết nối Internet. Dù bạn đang du lịch, nghỉ ngơi tại nhà, hay ngồi trong một quán cà phê yêu thích, công việc vẫn có thể được thực hiện một cách suôn sẻ.
- Học hỏi và phát triển: Dù bạn bắt đầu từ con số 0, qua quá trình làm Affiliate, bạn sẽ học được rất nhiều về Digital Marketing, SEO, viết content và cả kỹ năng giao tiếp. Những kỹ năng này không chỉ hỗ trợ bạn trong lĩnh vực tiếp thị liên kết mà còn giúp bạn trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.
- Thích nghi với xu hướng: Thế giới trực tuyến luôn thay đổi. Sản phẩm hot ngày hôm nay có thể không còn hấp dẫn ngày mai. Điều này giúp bạn luôn cảm thấy thách thức, không bao giờ cảm thấy nhàm chán và luôn tìm tòi, học hỏi để thích nghi.
Tóm lại, kiếm tiền với Affiliate Marketing có thể giúp bạn đặt chân vào thế giới kinh doanh Online một cách đơn giản, có được sự tự do và có nhiều cơ hội.
Nhưng để thành công, bạn cần phải đầu tư thời gian, công sức và học hỏi nhiều kiến thức mới mẻ. Chúng ta sẽ nói thêm về điều này trong những phần tiếp theo.
4 thành phần cơ bản của Affiliate Marketing
Để hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của Affiliate Marketing, bạn cần phải nắm vững 4 thành phần chính gồm: MERCHANT, AFFILIATE, CONSUMER và NETWORK. Mỗi thành phần đóng một vai trò quan trọng và bổ sung cho nhau.
1. MERCHANT (Nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ)
Đây là cá nhân hoặc doanh nghiệp sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm/dịch vụ. Họ muốn tăng doanh số bán hàng và sẵn lòng trả một khoản tiền cho người giới thiệu khách hàng tiềm năng đến với mình.
Merchant có vai trò cung cấp thông tin sản phẩm, hình ảnh, giá và cả chính sách hoa hồng cho người làm Affiliate. Họ cũng chịu trách nhiệm xử lý đơn hàng, giao hàng và chăm sóc khách hàng sau khi giao dịch.
2. AFFILIATE/Publisher (Người làm tiếp thị liên kết)
Affiliate/Publisher là những người như mình và bạn quảng bá sản phẩm/dịch vụ của MERCHANT thông qua các kênh truyền thông (như website, blog, mạng xã hội) để kiếm hoa hồng từ việc giới thiệu.
Người làm tiếp thị liên kết chịu trách nhiệm tạo ra nội dung quảng cáo, thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng và đẩy họ đến trang của MERCHANT thông qua link liên kết duy nhất (affiliate link) của mình.
3. CONSUMER (Người tiêu dùng)
Đây là đối tượng cuối cùng trong chuỗi, là người mua sắm sản phẩm/dịch vụ sau khi được Publisher giới thiệu.
Consumer tạo ra giá trị thực sự cho cả hệ thống khi họ thực hiện mua hàng. Mỗi khi họ mua sản phẩm qua link của bạn, bạn sẽ nhận được một khoản hoa hồng. Mức hoa hồng này sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận ban đầu của bạn và Merchant.
4. AFFILIATE NETWORK (Mạng lưới tiếp thị liên kết)
Đây là nền tảng trung gian giữa MERCHANT và AFFILIATE, giúp hai bên kết nối với nhau một cách dễ dàng.
Affiliate network cung cấp công cụ để theo dõi, báo cáo, và thanh toán hoa hồng cho AFFILIATE. Họ giúp quá trình này diễn ra minh bạch và chính xác.
Hiểu rõ về 4 thành phần trên không chỉ giúp bạn nắm vững cơ chế hoạt động của Affiliate Marketing, mà còn giúp bạn xác định vị trí và vai trò của mình trong hệ thống, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Quy trình kiếm tiền với làm Affiliate Marketing sẽ như thế nào?
Chắc chắn sẽ có nhiều bạn thắc mắc giai đoạn khởi đầu cho đến khi có tiền chảy về tài khoản thì điều gì sẽ diễn ra bên trong.
Dưới đây là các bước chung mà bất kỳ người làm Affiliate Marketing nào cũng phải trải qua:

1. Đăng ký và chấp nhận
Bạn (Publisher) tìm kiếm và đăng ký vào một chương trình tiếp thị liên kết thông qua Affiliate Network hoặc cũng có thể trực tiếp từ MERCHANT (nếu họ tự phát triển hệ thống Affiliate riêng - gọi là Affiliate Program).
Lúc này MERCHANT sẽ xem xét và chấp nhận yêu cầu của bạn.
2. Lấy và chèn link
Sau khi được chấp nhận, bạn sẽ có quyền truy cập vào các link affiliate của sản phẩm hoặc dịch vụ muốn quảng bá.
Tiếp theo bạn chèn link này vào nội dung trên trang web, blog hoặc mạng xã hội của mình.
3. Quảng cáo và tiếp cận khách hàng
Lúc này bạn cần tạo ra những nội dung chất lượng để quảng cáo sản phẩm, có thể là bài viết, video, hình ảnh...và triển khai nó qua các kênh Digital Marketing như SEO, Social media, Ads,..
Sau đó người tiêu dùng tiếp xúc với nội dung này và quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang quảng bá.
4. Nhấp và mua hàng
Khi CONSUMER nhấp vào affiliate link trong nội dung quảng cáo của bạn, họ sẽ được chuyển đến trang của MERCHANT.
Nếu họ quyết định mua hàng, giao dịch sẽ được ghi lại trên hệ thống.
5. Ghi nhận và thanh toán
NETWORK hoặc hệ thống của MERCHANT ghi nhận giao dịch đã diễn ra thông qua affiliate link của bạn.
MERCHANT sẽ thực hiện việc thanh toán hoa hồng cho bạn dựa trên giao dịch đã thực hiện.
9 bước kiếm tiền với Affiliate Marketing dành cho người mới
Được rồi, khi bạn đã đặt chân đến đây, mình dám cá bạn đã có một bức trang tổng thể về việc kiếm tiền với Affiliate Marketing rõ ràng hơn bất kỳ nơi nào khác.
Bây giờ đã tới lúc áp dụng các kiến thức bên trên và hiện thực hóa các ý tưởng kiếm tiền của bạn.
Nó bao gồm việc tìm kiếm thị trường ngách có lợi nhuận phù hợp cho bạn, tìm kiếm sản phẩm quảng bá, xây dựng nền tảng để triển khai chiến dịch Affiliate, tiếp cận và xây dựng khách hàng của bạn.
Bước 1. Tìm kiếm thị trường ngách
Lựa chọn niche hoặc lĩnh vực là một bước quan trọng và cần thiết khi bắt đầu hành trình làm Affiliate Marketing.
Điều này giống như việc bạn chọn một con đường cụ thể trên bản đồ thành công của mình. Lựa chọn sai lầm có thể khiến bạn mất rất nhiều thời gian và tiền bạc, còn lựa chọn đúng sẽ giúp bạn đi đúng hướng và đạt được những thành công nhanh chóng.
Tầm quan trọng của việc chọn đúng niche
Khi nói đến Affiliate Marketing, không phải mọi lĩnh vực đều giống nhau. Một số lĩnh vực có nhu cầu lớn và luôn có lượng người mua ổn định, còn một số khác chỉ phù hợp trong mùa nhất định hoặc có mức độ cạnh tranh cao đến mức bạn khó lòng thâm nhập.
Nếu bạn chọn một lĩnh vực quá rộng và đông đúc việc tạo ra một chỗ đứng cho mình sẽ trở nên khó khăn hơn. Ngược lại, lựa chọn một niche quá chật hẹp có thể không đem lại đủ thu nhập mà bạn mong muốn.
Cách phân tích và định hướng niche tiềm năng
Để tìm được một niche tiềm năng và lợi nhuận cao bạn hãy đảm bảo các yếu tố sau:
- Hiểu rõ đối tượng mục tiêu: Ai là những người bạn muốn tiếp cận? Họ quan tâm đến những gì? Hãy tìm hiểu và nắm vững thông tin về đối tượng của mình.
- Nghiên cứu từ khóa: Sử dụng các công cụ như Google Keyword Planner hoặc Kwfinder để tìm hiểu số lượng tìm kiếm và mức độ cạnh tranh của các từ khóa liên quan đến lĩnh vực bạn đang xem xét.
- Đánh giá mức độ cạnh tranh: Tìm hiểu về những đối thủ chính trong lĩnh vực. Điều này giúp bạn xác định xem việc thâm nhập thị trường có khả thi hay không.
- Tìm hiểu về tiềm năng kiếm tiền: Một số niche có mức hoa hồng cao, trong khi một số khác chỉ mang lại lợi nhuận nhỏ. Hãy đảm bảo bạn chọn lĩnh vực có tiềm năng thu nhập ổn định.
Để bạn dễ dàng hình dung hơn hãy xét ví dụ sau:
Giả sử bạn đam mê về lĩnh vực "chăm sóc sức khỏe và làm đẹp". Bạn nhận ra rằng có một nhu cầu tăng cao đối với sản phẩm "chăm sóc da".
Khi nghiên cứu từ khoá qua một công cụ như Kwfinder bạn thấy rằng có hàng nghìn lượt tìm kiếm hàng tháng (Search volume) và mức độ cạnh tranh (Keyword Difficulty) chỉ ở mức trung bình.

Đồng thời, khi tìm hiểu về các sản phẩm trong lĩnh vực này thông qua một chương trình liên kết của sàn thương mại điện tử như Shopee, bạn nhận ra rằng họ cung cấp mức hoa hồng khá hấp dẫn.

Với tất cả những thông tin này, bạn có thể định hướng và tập trung vào việc quảng cáo cho sản phẩm liên quan đến "chăm sóc da" và từ đó xây dựng một chiến dịch tiếp thị liên kết hiệu quả.
Có thể bạn cũng thích: Hướng dẫn kiếm tiền với Shopee Affiliate cho người mới từ A-Z
Bước 2: Đăng ký vào một Network hoặc chương trình liên kết
Một khi bạn đã xác định được niche và định hướng cho chiến dịch tiếp thị của mình, bước tiếp theo cần làm là tìm kiếm và đăng ký làm đối tác với các công ty hoặc trang web cung cấp chương trình tiếp thị liên kết.
Những nền tảng này sẽ là cầu nối giữa bạn và các thương hiệu, giúp bạn kiếm được hoa hồng từ việc giới thiệu sản phẩm.
Cách phổ biến nhất mà mình khuyên những mới hay lựa chọn là tham gia vào Affiliate Network hoặc những sàn thương mại điện tử lớn.
Sau khi xác định nền tảng mình muốn tham gia, bạn hãy thực hiện quá trình đăng ký. Với mỗi nền tảng sẽ có quy trình và những yêu cầu riêng. Thường thì bạn sẽ cần cung cấp thông tin cá nhân, website/blog hoặc kênh mạng xã hội của mình.

Giao diện đăng ký Affiliate marketing của Accesstrade
Đồng thời bạn cũng sẽ phải sẽ phải chờ trong một khoảng thời gian để họ xác minh thông tin và đôi khi là chất lượng website/blog của bạn.
Với những bạn nào có ý định làm Affiliate trường quốc tế (global) thì hãy đảm bảo website/blog có một lượng traffic nhất định hoặc ít ra cũng có một tài khoản mạng xã hội với một lượng follow cụ thể nếu không mình chắc chắn bạn sẽ phải đối diện với sự từ chối.
Còn bạn nào làm thị trường trong nước Việt Nam thì khỏi lo, đôi khi 1 tài khoản Google là đã đủ.
Sau khi được chấp nhận, bạn có thể truy cập danh sách sản phẩm hoặc dịch vụ để chọn lựa những sản phẩm phù hợp với độc giả của mình.

Cách đọc và hiểu các chương trình tiếp thị liên kết
Khi tham gia bất kỳ chương trình liên kết nào, bạn khoan hãy nghĩ đến việc lao vào kiếm tiền. Thay vào đó hãy dành một chút thời gian tìm hiểu:
- Điều khoản và điều kiện: Đầu tiên và quan trọng nhất, bạn cần đọc kỹ các điều khoản của chương trình. Điều này giúp bạn hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cũng như các rủi ro có thể gặp phải.
- Mức hoa hồng: Điều này quyết định thu nhập của bạn. Một số chương trình cung cấp hoa hồng cố định, trong khi chỗ khác có thể cung cấp một tỷ lệ phần trăm dựa trên giá trị giao dịch.
- Ngưỡng thanh toán: Hầu hết các Network hay chương trình liên kết đều có ngưỡng thanh toán cụ thể. Điều này có nghĩa là bạn cần kiếm được một lượng tiền nhất định trước khi có thể rút tiền. Ví dụ Accesstrade là 200.000 VNĐ, trong khi Amazon là $100 hoặc một số sản phẩm số mình đang làm có khi tận $200 mới được thanh toán.
- Các công cụ hỗ trợ: Những chương trình affiliate tốt sẽ cung cấp cho bạn các công cụ, như banner, liên kết độc quyền hoặc thậm chí là nội dung quảng cáo sẵn có.
Khi bạn hiểu rõ một chương trình liên kết bạn đã đăng ký thì bạn sẽ biết cách tối ưu, đặt mục tiêu cho nó và quan trọng sẽ giúp bạn tránh rất nhiều rắc rối.
Ví dụ như mình thấy một số bạn đã làm affiliate lại còn khôn lõi tự mua hàng qua link của chính mình. Nhưng đó là điều luôn bị cấm trong các tài khoản của mọi nền tảng. Do đó, đến khi kiếm được một khoản kha khá thì rút không được với lý do vi phạm chính sách.
Thế mới nói việc đọc khi làm Affiliate marketing cũng vô cùng quan trọng nha!
Bước 3. Cách tìm sản phẩm Affiliate

Để kiếm tiền với Affiliate Marketing hiệu quả, việc lựa chọn sản phẩm phù hợp để quảng cáo là một yếu tố không thể bỏ qua.
Chọn đúng sản phẩm không chỉ giúp bạn thu hút khách hàng mục tiêu, mà còn gia tăng tỷ lệ chuyển đổi và thu nhập. Với kinh nghiệm của mình, mình luôn đặt ra tiêu chí chọn sản phẩm Affiliate chất lượng như sau:
- Phù hợp với đối tượng mục tiêu: Sản phẩm cần liên quan và hấp dẫn với độc giả của bạn. Ví dụ: Nếu Blog của bạn xoay quanh chủ đề ẩm thực, việc quảng cáo một bộ chén dĩa cao cấp mới từ một thương hiệu uy tín sẽ phù hợp hơn là quảng cáo một bộ dụng cụ cắm trại.
- Đánh giá và uy tín của sản phẩm: Đi tìm sản phẩm có đánh giá tốt từ người tiêu dùng. Sản phẩm được yêu thích và đánh giá cao thường dễ dàng tiếp cận và thuyết phục khách hàng hơn.
- Mức hoa hồng: Xác định sản phẩm cung cấp mức hoa hồng hợp lý. Một sản phẩm giá cao có thể mang lại hoa hồng cao hơn, nhưng nếu khó bán, bạn có thể không kiếm được nhiều tiền.
- Hỗ trợ từ nhà cung cấp: Những nhà cung cấp tốt sẽ gửi cho bạn hình ảnh chất lượng, thông tin sản phẩm chi tiết và thậm chí là nội dung quảng cáo sẵn có.
- Độ cạnh tranh: Nếu một sản phẩm đã được quảng cáo rộng rãi bởi nhiều người, việc canh tranh sẽ khó khăn hơn. Do đó, tìm kiếm sản phẩm chất lượng nhưng chưa bão hòa trên thị trường có thể là lựa chọn thông minh.
Vậy câu hỏi bây giờ đặt ra là làm sao chúng ta có thể tìm sản phẩm Affiliate chất lượng và phù hợp nhất để quảng bá?
Sau đây là một số cách dành cho bạn:
Đầu tiên bạn có thể sử dụng các điều hướng trên nền tảng Affiliate, hầu hết các nền tảng tiếp thị liên kết đều có bộ lọc giúp bạn tìm sản phẩm theo từ khóa, danh mục hoặc thương hiệu một cách nhanh chóng.

Ngoài ra bạn cũng có thể tham gia các Group, hội nhóm hoặc diễn đàn về tiếp thị liên kết, đây là nơi chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá về sản phẩm và gợi ý về những sản phẩm tiềm năng.
Cuối cùng là phân tích đối thủ, hãy xem những sản phẩm mà các đối thủ trong lĩnh vực của bạn đang quảng cáo. Điều này có thể cung cấp cho bạn một cái nhìn về những gì đang hot trên thị trường.
Bằng cách kết hợp 2 yếu tố tiêu chí và kỹ thuật tìm kiếm sản phẩm, mình tin rằng bạn sẽ có thể xác định và lựa chọn những sản phẩm làm Affiliate tốt nhất cho chiến dịch của mình.
Bước 4. Xây dựng trang web/blog: Bí quyết tạo ra máy in tiền tự động
Khi nói đến Affiliate Marketing, mình biết nhiều bạn nghĩ rằng chỉ cần đặt link quảng cáo trên các trang mạng xã hội là có thể kiếm tiền.
Đúng! Tuy nhiên, đó chỉ là bề mặt của bức tranh.
Để thực sự khai thác và tối ưu hóa tối đa tiềm năng kiếm tiền từ Affiliate, việc xây dựng một trang web hoặc blog riêng biệt là điều nhất định bạn nên làm.

Vì sao Website/Blog lại quan trọng với người làm Affiliate Marketing?
Để hiểu rõ hơn, hãy tưởng tượng trang web/blog của bạn giống như một cửa hàng thực sự trên phố đi bộ.
Mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok có thể giống như các gian hàng trong một trung tâm mua sắm - bạn thuê chỗ, phụ thuộc vào luật lệ của chủ sở hữu và luôn có nguy cơ bị "đuổi" bất cứ lúc nào. Hoặc tệ hơn họ bị cấm hoạt động thì bạn cũng "hẹo" theo luôn.
Nhưng với một trang web/blog riêng, bạn tự làm chủ, tự quyết định mọi thứ và đặc biệt có khả năng mở rộng không giới hạn mà không phải chịu bất kỳ sự ràng buộc nào.
Đó là lý do chính bạn thấy mình tại sao chưa bao giờ tập trung nhiều vào social.
Các yếu tố quan trọng của một trang web hiệu quả:
Để có một Website/Blog làm Affiliate Marketing đem lại sự tin tưởng, trải nghiệm tốt và chuyển đổi cao thì bạn hãy đảm bảo có các điều kiện sau:
- Thiết kế chuyên nghiệp: Trang web của bạn phải tạo ra ấn tượng tốt từ lần truy cập đầu tiên. Một thiết kế sáng sủa, dễ nhìn và chuyên nghiệp sẽ giúp tăng cường độ tin cậy từ khách truy cập.
- Nội dung chất lượng: Cung cấp nội dung hữu ích, chi tiết và cập nhật thường xuyên. Nó không chỉ giúp thu hút độc giả mà còn là một yếu tố quan trọng cho SEO (mình sẽ nói rõ hơn ở phần sau).
- Tối ưu hóa cho di động: Đảm bảo trang web của bạn hoạt động tốt trên mọi thiết bị, từ máy tính để bàn đến điện thoại di động.
- Tốc độ tải trang: Trang web nhanh chóng giúp tăng cường trải nghiệm của người dùng và cũng là một yếu tố quan trọng trong SEO.
- Dễ dàng tìm kiếm và điều hướng: Cấu trúc trang web rõ ràng, menu dễ sử dụng giúp khách truy cập dễ dàng tìm kiếm thông tin.
Nghe thì có vẻ đậm mùi kỹ thuật đúng không?
Tuy nhiên tại thời điểm này, làm website/blog không còn là điều khó khăn như trước. Với WordPress - một nền tảng quản lý nội dung phổ biến nhất thế giới. Nó sẽ giúp bạn dễ dàng tạo ra một website/blog chuyên nghiệp chỉ trong vài bước đơn giản.
Mặc dù bạn có thể làm một website WordPress miễn phí, tuy nhiên để tăng tính chuyên nghiệp và để bạn có toàn quyền kiểm soát website. Mình khuyên bạn nên đầu tư một khoản phí khoảng $40 (dưới 1 triệu VND) để mua tên miền (cái giống như namcung.com) và hosting (để chứa dữ liệu website).
Mình tin rằng đây có thể là khoảng đầu tư rẻ nhất để bạn có thể sở hữu một Online Business thực thụ cho riêng mình.
Bước 5. Tạo nội dung chất lượng cho sản phẩm
Khi nói đến Marketing bạn có từng nghe câu "Nội dung là vua"? Nếu chưa thì bạn cũng nên nhớ vì nó sẽ in sâu vào tâm trí bạn trong thời gian tới thôi.
Tạo ra nội dung chất lượng không chỉ giúp bạn thu hút độc giả, mà còn xây dựng lòng tin và tạo ra sự thuyết phục mạnh mẽ, đồng thời gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Mỗi khi một độc giả truy cập vào trang web hoặc blog của bạn, họ đang tìm kiếm giá trị. Họ muốn thông tin, giải pháp cho vấn đề của mình.
Một nội dung chất lượng đáp ứng tất cả những yêu cầu này sẽ cung cấp cho họ một lý do để tin tưởng vào sản phẩm bạn giới thiệu.
Nói một cách khác, đầu tư vào nội dung là đầu tư vào mối quan hệ với độc giả và khách hàng tiềm năng.

Vậy làm thế nào để tạo ra nội dung giá trị cho sản phẩm Affiliate của bạn?
Đây là những gì mình học được và giờ mình gửi cho bạn:
- Hiểu rõ đối tượng mục tiêu: Biết rõ ai là độc giả của bạn và điều gì quan trọng với họ. Sử dụng các công cụ phân tích để thu thập dữ liệu và thông tin về đối tượng của bạn.
- Đưa ra giá trị thực sự: Đừng chỉ giới thiệu sản phẩm, hãy đề cập đến những vấn đề mà sản phẩm giải quyết. Ví dụ: Nếu bạn quảng cáo một máy làm mát không khí, hãy nói về tầm quan trọng của việc có một không gian sống thoáng đãng và mát mẻ.
- Đảm bảo nội dung dễ đọc và thân thiện: Sử dụng tiêu đề, danh sách, đoạn văn ngắn để thay đổi những khối văn bản dày đặc, điều này giúp nội dung trở nên dễ đọc và thú vị hơn.
- Kết hợp hình ảnh và video: Hình ảnh và video có thể truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng và hiệu quả hơn so với chỉ văn bản. Chúng giúp tăng cường trải nghiệm của người đọc và tạo sự thuyết phục.
- Khuyến khích tương tác: Đặt câu hỏi, kêu gọi độc giả chia sẻ ý kiến, hoặc mời họ tham gia vào một thảo luận. Sự tương tác này tạo ra cảm giác cộng đồng và liên kết mạnh mẽ giữa bạn và độc giả.
- Luôn cập nhật và tối ưu nội dung: Thế giới luôn thay đổi và nội dung của bạn cũng vậy. Đảm bảo rằng bạn luôn cập nhật và tối ưu hóa nội dung của mình để phản ánh thông tin mới nhất và duy trì sự quan tâm từ phía độc giả.
Bất cứ khi nào bạn viết nội dung, luôn nhớ rằng mục tiêu chính của bạn là cung cấp giá trị. Đặt mình vào vị trí của độc giả và hỏi: "Nếu tôi là người đọc, tôi sẽ nhận được gì từ nội dung này?"
Đó là cách bạn tạo ra nội dung chất lượng và giá trị.
Bước 6. Tối ưu nội dung cho công cụ tìm kiếm (SEO)
SEO, viết tắt của từ "Search Engine Optimization", dịch nôm na là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.
Đây là một quá trình đảm bảo rằng nội dung trên website của bạn dễ dàng được tìm thấy, và đứng đầu – trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm.

Đối với người làm Affiliate marketing, SEO đem về cho bạn nhiều lợi ích hấp dẫn như:
- Tăng lưu lượng truy cập: Nếu website/blog của bạn xuất hiện trên trang đầu của kết quả tìm kiếm, bạn tự nhiên sẽ thu hút được lượng lớn người truy cập.
- Xây dựng uy tín: Đối với nhiều người, xuất hiện trên trang đầu Google là dấu hiệu cho thấy trang web đó có uy tín và đáng tin cậy.
- Giảm chi phí quảng cáo: Khi bạn đạt được xếp hạng cao, bạn không cần mất tiền chạy quảng cáo điều này giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Để giúp bạn thấy sức mạnh đáng sợ của SEO, hãy xem ví dụ sau:
Bạn đã viết một bài đánh giá chi tiết về một loại "máy pha cà phê". Sau đó bạn tối ưu bài viết cho SEO và nó xuất hiện ở vị trí đầu tiên khi ai đó tìm kiếm "đánh giá máy pha cà phê tốt nhất".
Khách truy cập nhấp vào và đọc bài viết của bạn, họ tin tưởng vào đánh giá và mua sản phẩm thông qua liên kết của bạn. Lúc này bạn kiếm được hoa hồng mà không cần làm bất cứ điều gì khác.
Chưa hết! SEO có đặc tính là bền vững.
Nghĩa là chỉ với một bài viết đứng top, nó có thể đem lại cho bạn thu nhập thụ động đều đặn hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Và mình tin đó là điều mà bất kỳ người làm tiếp thị liên kết nào cũng mong muốn nhắm tới, đúng không?
Mình biết hiện giờ có lẽ bạn sẽ hơi choáng ngợp với kỹ năng này. Nhưng không phải lo!
Mình đã chuẩn bị một loạt bài viết về SEO cơ bản dành riêng cho người mới bắt đầu. Trong series này, bạn sẽ học cách tìm từ khóa, tối ưu hóa tiêu đề, mô tả và nội dung trên trang, cũng như cách xây dựng backlink chất lượng.
Bước 7. Xây dựng danh sách Email
Xây dựng danh sách email có thể là một trong những chiến lược mạnh mẽ nhất đối với người làm tiếp thị liên kết có tầm nhìn xa.
Bạn không nghe lầm đâu!
Trong thời đại của mạng xã hội, email vẫn giữ một vị trí vững chắc trong việc kết nối với độc giả và khách hàng mục tiêu.

Vậy tại sao danh sách email lại quan trọng? Đây là các lý do chính:
- Liên lạc trực tiếp: Khác với mạng xã hội, email cho phép bạn liên hệ trực tiếp với người dùng. Bạn không phụ thuộc vào thuật toán của bất kỳ nền tảng nào - email của bạn sẽ được gửi thẳng đến hộp thư của họ.
- Tính cá nhân hóa cao: Với email, bạn có thể tạo ra nội dung được tùy chỉnh dựa trên sở thích và hành vi của từng người dùng, điều này giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi với các sản phẩm affiliate đang làm.
- ROI (Return on Investment) cao: Theo nhiều nghiên cứu, email marketing thường có mức ROI cao nhất so với các hình thức tiếp thị khác.
- Có thể bán lâu dài: Với danh sách Email khách hàng tiềm năng đã có trong tay, bạn có thể liên lạc với họ bất kỳ lúc nào bạn muốn. Ví dụ khi có một sản phẩm mới bạn có thể gửi email giới thiệu cho họ. Do đó bạn sẽ tối ưu được thu nhập một cách tốt nhất.
Mình biết bạn có thể đang ở điểm xuất phát và chưa có danh sách email nào. Mình đã trải qua giai đoạn đó và hiểu cảm giác của bạn.
Nhưng tin mình đi, xây dựng một danh sách email chất lượng không quá khó khăn. Đừng bỏ lỡ bài viết tiếp theo "Xây dựng danh sách email từ con số 0" của mình, nơi mình chia sẻ tất cả bí quyết để giúp bạn khởi đầu một hành trình email marketing thành công.
Bước 8. Tận dụng mạng xã hội làm Affiliate Marketing
Mặc dù phần trên chúng ta đã nhắc đến việc không nên quá phụ thuộc vào mạng xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên bỏ lỡ cơ hội tại những nền tảng này.
Kẻ thức thời không chỉ biết lựa chọn một kênh tiếp thị, mà còn biết đa dạng hóa nền tảng để tối đa hóa sức mạnh của mình.

Vậy chúng ta có thể khai thác gì từ mạng xã hội?
- Lượng người dùng khổng lồ: Hầu hết mọi người hiện nay đều có ít nhất một tài khoản trên mạng xã hội, từ Facebook, Instagram, Twitter đến TikTok.
- Tương tác trực tiếp: Mạng xã hội cho phép bạn tương tác trực tiếp với độc giả và khách hàng mục tiêu, tạo nên một mối quan hệ sâu rộng.
- Viral marketing: Nếu nội dung của bạn đủ hấp dẫn, nó có thể được chia sẻ rộng rãi, giúp tăng sự nhận diện và tiềm năng thu nhập.
Để tận dụng mạng xã hội tối ưu cho chiến dịch Affiliate, bạn hãy áp dụng các bước cơ bản sau:
Đầu tiên là chọn nền tảng phù hợp: Không phải mọi mạng xã hội đều phù hợp với mọi niche. Bạn cần xác định nền tảng nào mà đối tượng của bạn sử dụng nhiều nhất và tập trung vào nó.
Ví dụ: Đối với sản phẩm thời trang hoặc mỹ phẩm, Instagram và Pinterest có thể là lựa chọn tối ưu. Hoặc đối với đồ dùng gia đình hay công nghệ thì TikTok & YouTube sẽ là lựa chọn sáng giá.

Tiếp theo hãy chú trọng nội dung chất lượng: Cung cấp nội dung giá trị, hình ảnh đẹp mắt và video thu hút. Đừng chỉ quảng cáo, hãy tạo ra nội dung giúp người dùng thấy được lợi ích thực sự của sản phẩm.
Đừng quên tích hợp liên kết có thể nhấp: Chèn các liên kết trong nội dung hoặc bio để dẫn dắt người dùng đến sản phẩm bạn đang quảng bá.

Ngoài ra, nếu bạn muốn tăng tốc độ tiếp cận và phạm vị khách hàng việc sử dụng quảng cáo trên mạng xã hội có thể là một giải pháp hiệu quả. Đặc biệt, Facebook Ads cho phép bạn tiếp cận một đối tượng mục tiêu cụ thể dựa trên độ tuổi, sở thích, địa điểm và nhiều tiêu chí khác.
Bước 9: Theo dõi và tối ưu chiến dịch của bạn

Chỉ việc tung ra một chiến dịch tiếp thị liên kết và hy vọng nó sẽ mang lại kết quả không phải là một chiến lược thông minh.
Để thực sự thành công trong Affiliate Marketing, bạn cần theo dõi, phân tích và tối ưu chiến dịch của mình một cách liên tục. Điều này sẽ giúp bạn:
- Đánh giá hiệu suất: Chỉ khi bạn theo dõi chi tiết các số liệu, bạn mới biết được chiến dịch của mình đang hiệu quả đến mức nào.
- Phát hiện và khắc phục vấn đề: Nếu có điều gì không diễn ra như mong đợi, việc theo dõi chiến dịch giúp bạn phát hiện và tối ưu nhanh chóng.
- Tăng ROI (lợi tức trên đầu tư): Khi biết được chi phí và lợi nhuận cụ thể, bạn có thể định hướng ngân sách và tài nguyên hiệu quả hơn.
Thật ra đối với nền tảng trực tuyến việc theo dõi một chiến dịch affiliate không hề khó, bạn chỉ cần dùng một số công cụ phổ biến tích hợp nó với website hoặc link affiliate của bạn. Chẳng hạn như một số công cụ dưới đây:

- Google Analytics: Miễn phí và mạnh mẽ, công cụ này cho phép bạn xem thông tin chi tiết về lưu lượng truy cập, nguồn truy cập, và hành vi của người dùng trên trang web của bạn.
- Bitly hoặc các công cụ rút gọn link khác: Giúp bạn theo dõi số lần nhấp và độ hiệu quả của từng liên kết affiliate.
- Dashboards của chương trình tiếp thị liên kết: Hầu hết các chương trình tiếp thị liên kết đều cung cấp bảng điều khiển riêng cho bạn theo dõi hiệu suất một cách dễ dàng.

Dashboard của Affiliate Amazon
Cách tối ưu chiến dịch
Để tăng khả năng tiếp cận khách hàng và tối ưu thu nhập từ chiến dịch Affiliate của bạn, thì tối ưu là một giai đoạn không thể bỏ qua.
Dưới đây là 4 yếu tố chính bạn có thể áp dụng:
- A/B Testing: Thử nghiệm hai phiên bản khác nhau của một trang hoặc quảng cáo để xem phiên bản nào mang lại tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.
- Điều chỉnh nội dung: Dựa vào phản hồi và số liệu, bạn có thể biết mình cần cập nhật hoặc thay đổi nội dung để đáp ứng nhu cầu của đối tượng.
- Tối ưu liên kết: Đảm bảo rằng mọi liên kết affiliate đều hoạt động và dẫn đến trang đích chính xác.
- Thử nghiệm các kênh tiếp thị mới: Như mình đã nói, hãy đa dạng các kênh phần phối. Vì vậy đừng ngần ngại mở rộng và thử nghiệm với các kênh tiếp thị khác nhau, từ mạng xã hội, email marketing đến quảng cáo trả tiền.
Tóm lại, không có chiến dịch tiếp thị liên kết nào hoàn hảo từ lúc bắt đầu. Thành công đến từ việc liên tục theo dõi, học hỏi từ dữ liệu và tối ưu chiến dịch dựa trên những con số biết nói đó.
Một số sai lầm thường gặp khi kiếm tiền với Affiliate Marketing và cách tránh chúng
Khi làm affiliate marketing, cũng giống như bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào khác, chúng ta thường mắc phải một số sai lầm.
Điều này hoàn toàn tự nhiên và là một phần của quá trình học hỏi. Tuy nhiên, nhận biết và hiểu rõ về những sai lầm này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức.
Dưới đây là một số sai lầm phổ biến và cách để tránh chúng:
Sai lầm #1. Chạy theo xu hướng mà không nghiên cứu kỹ
Nhiều bạn mới bắt đầu thường nghĩ rằng mình nên theo đuổi những sản phẩm "hot" mà không xem xét xem sản phẩm đó có phù hợp với đối tượng của mình hay không. Điều này dẫn đến việc bạn gửi nội dung không ai quan tâm đến.
Vì vậy hãy tìm hiểu kỹ về đối tượng mục tiêu của bạn và xác định xem sản phẩm đó có giá trị thực sự cho họ hay không.
Sai lầm #2. Đặt quảng cáo affiliate ở mọi nơi
Chúng ta thường có tâm lý đặt quảng cáo nhiều nơi với hy vọng nhận được nhiều click và chốt đơn.
Sai lầm hoàn toàn!
Điều này có thể gây ra tình trạng quá tải thông tin khiến website trở nên rối loạn, người xem cảm thấy phiền phức và mất đi tính chuyên nghiệp.
Do đó hãy, tập trung vào việc chọn lựa những quảng cáo phù hợp và đặt chúng ở vị trí thích hợp trên trang web.
Sai lầm #3. Không đầu tư vào nội dung chất lượng
Ở phần trên mình đã có nói rất kỹ, tuy nhiên nhiều bạn vẫn phớt lờ và ôm suy nghĩ chỉ cần đặt liên kết affiliate ở đâu đó trên website hay mạng xã hội là đủ.
Tuy nhiên bạn nên nhớ không có nội dung chất lượng, rất khó có thể thu hút và giữ chân người đọc. (À có! Trừ khi bạn là một người quá nổi tiếng).
Vì vậy hãy luôn ưu tiên tạo ra nội dung giá trị, hữu ích và thú vị cho đọc giả của bạn.
Sai lầm #4: Không theo dõi và đánh giá hiệu suất
Rất nhiều bạn hay gặp một lỗi là làm Affiliate nhưng lại không biết sản phẩm nào hoặc chiến dịch nào đang mang lại hiệu quả. Điều này có nghĩa là bạn không thực sự hiểu về những gì mình đang làm có đi đúng hướng và tốt hay không.
Để khắc phục bạn hãy sử dụng các công cụ theo dõi, như Google Analytics hoặc báo cáo trên các nền tảng Affiliate mình tham gia để đánh giá hiệu suất của từng chiến dịch và điều chỉnh chiến lược kiếm tiền của bạn.
Sai lầm 5: Không cập nhật kiến thức
Affiliate marketing là một lĩnh vực trực tuyến và nó chịu sự chi phối rất lớn của công nghệ. Do đó tốc độ thay đổi luôn diễn ra nhanh chóng theo từng ngày. Vì vậy, bạn luôn phải cập nhật thông tin mới, công cụ mới để áp dụng làm affiliate một cách hiệu quả.
Nhớ rằng, mọi người đều có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là bạn phải học từ những sai lầm đó và không lặp lại.
Câu hỏi thường gặp
Trong suốt quá trình làm affiliate marketing, mình thường xuyên nhận được nhiều câu hỏi từ những bạn mới bắt đầu hoặc đang gặp khó khăn.
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp mà mình đã tổng hợp, cùng với những trả lời từ góc độ cá nhân của mình, qua những thăng trầm trong lĩnh vực này.
Hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về lĩnh vực affiliate marketing và tìm ra hướng đi phù hợp cho mình. Đừng ngần ngại thử thách bản thân và tiếp tục học hỏi mỗi ngày.
Cảnh báo lừa đảo: Đừng bị cuốn theo đám đông!
Đến phần này mình chắc chắn bạn đã có những kiến thức vững vàng về kiếm tiền với Affiliate Marketing. Bạn có thể bắt đầu thực hành các bước mình đã gợi ý ở trên.
Nhưng chờ đã!
Trước khi bạn đặt chân sâu hơn vào lĩnh vực này, mình muốn đề cập một chút về một chủ đề không thể thiếu hay nói cách khác là thường gặp với newbie.
Đó là "những khóa học kiếm tiền với Affiliate Marketing giá trị... cỡ mấy chục ly trà sữa!".
Nếu bạn thường lướt web, xem TikTok, YouTube thì chắc chắn bạn đã thấy những quảng cáo rực rỡ với lời hứa hẹn về việc kiếm ngàn đô, chục triệu chỉ sau vài ngày, tuần hoặc tháng.
Và tất nhiên, họ yêu cầu bạn phải "nhè" ra một khoản phí, đúng không?
Nhưng thay vì tin sái cổ thì tại sao bạn không đặt ra dấu chấm hỏi: "Ờ, tại sao một người đã biết cách kiếm chục/trăm triệu mỗi tháng lại chia sẻ bí quyết của mình chỉ với mấy trăm ngàn hay vài triệu? Chắc vì họ quá tốt bụng, phải không?" ????
Bạn nên biết trên đời này, ít ai sẵn lòng chia sẻ miếng bánh của mình, nhất là khi nói đến cơ hội kiếm tiền. Đừng để bị cuốn theo những lời quảng cáo quá đẹp để thành hiện thực.
Mình khuyên bạn, thay vì lạc hướng bởi những lời hứa xa vời kia, hãy đầu tư thời gian và công sức vào việc trau dồi kiến thức và kỹ năng của mình. Đó mới là cách duy nhất giúp bạn tạo ra cơ hội kiếm tiền thực sự và bền vững.
Vậy nên, khi bạn nhìn thấy một khóa học Online hứa hẹn mọi thứ trên trời dưới biển, hãy nhớ lại những gì mình đã chia sẻ ở đây và suy nghĩ thật kỹ trước khi mở ví của mình.
Lời kết
Internet luôn mở ra nhiều cơ hội để chúng ta có thể tìm thấy nhiều công việc hấp dẫn chỉ với 1 chiếc máy tính và ngồi bất kỳ nơi nào, trong đó kiếm tiền với Affiliate Marketing là một trong những lựa chọn tốt nhất thời điểm này.
Mình hy vọng qua nội dung với hơn 8000 từ này, bạn đã biết được Affiliate Marketing là gì, cách nó hoạt động và quan trọng là làm tốt từng bước kiếm tiền với tiếp thị liên kết. Những nội dung đó mình đã đề cập rất chi tiết và kèm liên kết để mở rộng kiến thức cho bạn.
Đồng thời hãy nhớ các sai lầm và cách tránh chúng để tránh mất thời gian, tiền bạc và công sức của bạn.
Cuối cùng là đừng bao giờ chơi hệ tâm linh và cảnh giác với những khóa học kiếm tiền với Affiliate Marketing.
Bây giờ mình mỏi tay lắm rồi không viết nổi nữa, vì vậy chúng ta sẽ tạm kết thúc tại đây. Trong quá trình làm Affiliate, nếu bạn có khó khăn hay thắc mắc gì thì để lại trong comment bên dưới để chúng ta trao đổi thêm nha!
Rất vui khi bạn đã đọc bài viết này và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết khác.